Những hình ảnh cho thấy tầm vóc quy mô, sự tráng lệ đáng kinh ngạc, chứng tỏ trình độ phát triển văn hóa rực rỡ cũng như kỹ thuật xây dựng, trình độ quy hoạch ở mức đỉnh cao làm ngỡ ngàng giới nghiên cứu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, của nền văn hóa Việt Nam. Đây là kết quả nghiên cứu nổi bật trong giai đoạn 10 năm đầu tiên từ khi thành lập (28-4-2011) của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
Mặt bằng tổng thể cũng như các công trình kiến trúc cụ thể của hệ thống cung điện thời Lý đã được nghiên cứu, phục dựng dựa trên những chứng tích dấu vết, hiện vật khảo cổ học được tìm thấy qua đợt khai quật năm 2002 - 2004. Cuộc khai quật tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội năm 2008 - 2009 sau đó đã cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học về kiến trúc cung điện thời Lý. Dựa trên các dấu vết khảo cổ, các nhà nghiên cứu đã dựng lại sơ đồ mặt bằng các công trình kiến trúc thời Lý.
Nghiên cứu những mảnh hiện vật gỗ tìm được, dựa trên những tài liệu ít ỏi từ minh văn, nghiên cứu chạm khắc gỗ ở các công trình khác cùng với nghiên cứu so sánh ở các công trình kiến trúc gỗ ở nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), các nhà khoa học đã tìm thấy những nét tương đồng và điểm độc đáo khác biệt của kiến trúc gỗ ở Việt Nam.
Cũng dựa trên nghiên cứu phục dựng và so sánh, các nhà khoa học đã xác định hệ thống “đấu - củng” được dung trong hoàng cung. Đây là một loại kết cấu đỡ mái gồm hai bộ phận cấu thành là "đấu" và "củng". "Đấu" đóng vai trò là bệ đỡ, còn “Củng” giống hình khuỷu tay, đóng vai trò là tay đỡ được dùng để đỡ một kết cấu khác bên trên.
Clip Thăng Long - Rồng bay lên.
Ngày xuất bản: 28-4-2021
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: NGÔ VƯƠNG ANH - TUYẾT LOAN
Ảnh và clip: Viện Nghiên cứu Kinh thành
Trình bày: ĐĂNG PHI - ĐỨC DUY