Thông tin cơ bản
Chủ xị: Sài Gòn Tếu
Những tiếp cận cơ bản với bộ môn hài độc thoại được truyền tải qua một chuỗi 3 workshop: Nhập môn, viết và trình diễn.
Người hướng dẫn
Tứ trụ của “Sài Gòn Tếu” - nhóm hài độc thoại tiếng Việt đầu tiên: Tùng BT, Uy Lê, Uy Nguyễn và bé trai Phương Nam. Như phương châm review các khoá học nào giờ, mình không đề cập đến tiểu sử hay thành tựu gì của các bạn huấn luyện vì mình chưa bao giờ quan tâm. Lao vô học rồi sẽ biết họ mang đến mình những giá trị gì.
Những tâm đắc
Ban đầu mình chỉ nghĩ là đi học một chủ đề mới, lại về hài hước nữa thì sẽ giúp ích nhiều cho công cuộc sáng tạo truyền thông. Ngành quảng cáo luôn chuộng những ý tưởng dí dỏm. Thực tế thì sau 3 buổi sáng thứ 7, mình mang về hơi bị nhiều bất ngờ.
Cái duyên. Mình cứ tưởng cái duyên là trời phú nên trời không phú cho tất cả mọi người. Nhưng với hài độc thoại thì ai cũng có một nét trời sinh, có thể là trong cách ăn nói, góc nhìn, cử chỉ hoặc thậm chí giọng cười! Chỉ cần ta không cố đè nén thì mọi người sẽ cảm nhận và hưởng ứng ngay. Mình thật sự cảm ơn các bạn hướng dẫn đã không ngừng khích lệ kể cả những bạn nhút nhát nhất.
Bỏ não. Lúc ngồi chờ tới lượt mình diễn thì muốn tính toan gì thì tuỳ. Nhấc mông bước lên thì vứt não sang một bên giùm. Tinh thần này nghe qua thấy có vẻ ảo, nhưng khi ứng dụng thì mới vỡ lẽ tại sao có những buổi họp mình học thuộc lòng hết rồi mà khách hàng ngồi nghe cứ trơ trơ, nhưng có những buổi nắm ý chính thôi, lên phăng phăng mà lại thu hút người nghe thấy rõ, mà bản thân cũng thấy thích hơn. Đã đứng trước bao ánh mắt mà đầu còn chạy thêm mấy dòng suy nghĩ nữa thì làm sao mà kể chuyện thanh thoát được nhỉ?
Khán giả là thiên tài. Khoảnh khắc, mảng miếng nào mà mình “xạo” thì khán giả sẽ lập tức nhận ra. Nhận ra ở đây không phải là kiểu trắng đen, mà là cảm giác “kì kì”, nhiêu đó thôi cũng đủ đẩy người diễn lùi lại một bước, mất kết nối mà mình vừa xây dựng được với những con người ngồi trước mặt mình.
Cười là cười. Ánh mắt, tiếng tằng hắng (ui, lần đầu trong đời viết cái chữ này ra), cái gãi đầu, khoảng lặng, mặt đơ đơ, nói vấp, quên bài… đều có thể làm khán giả cười, chỉ cần nó THẬT. Cười là cười.
The elephant in the room. Khi người diễn bước lên cũng là lúc khán giả “dựng” lên những nét nghĩ đầu tiên về ngoại hình, phong thái của họ. Và đó cũng là chất liệu cho những miếng hài đầu tiên, nếu làm mọi người cười được một cách duyên dáng thì bạn đã tạo kết nối với họ rồi. Ở lớp A Bờ Cờ, ngày đầu tiên, mình hay đùa “Chào các bạn, ngày đầu tiên các bạn có hồi hộp hay suy nghĩ gì không, ngoại trừ việc S. chẳng giống gì với trên hình!”. Bà con cười ầm một cái, không khí loãng ra ngay. Té ra là “chiêu” này, giờ mới biết.
Những bạn đồng học thú vị. Mình đã quen thêm được quá trời cá tính hay ho có thể nói là độc lạ. Mình mà kể ra hết chắc bài này thành sách luôn. Mong nhóm hài nghiệp dư HÔ của chúng ta có thể tiếp tục gặp gỡ, trau dồi và duy trì bộ môn này để một đêm (stand-up diễn buổi sáng ai coi) không xa làm rạng danh môn phái Sài Gòn Tếu.

Viết hài hước vs Diễn hài độc thoại
Nhiều người thích văn phong dí dỏm của mình. Mình không hiểu vì sao mọi người lại thấy thích đến thế, mình nghĩ gì thì viết nấy thôi, tuy nhiên mình cũng khá tự tin là mình làm cho người ta cười được. Té ra mình tự tin như vậy là vì chưa tiếp xúc với hài độc thoại!
Nội dung “bắt”. Có một điểm khác biệt rất lớn giữa viết cho người ta cười và nói cho người ta cười. Người ta nhìn dòng chữ mình viết ra, họ sẽ “đọc” bằng văn phong và diễn dịch nó theo cách hiểu của họ, sau vài giây thì họ bật cười. Khi bạn đứng trước mặt và diễn cho họ xem, bạn không có “vài giây”, cao lắm là nửa giây hoặc một giây thôi. Cái miếng cười phải được dẫn dắt hết sức tinh giản (Uy Lê hay gọi là “đừng dẫn dắt cồng kềnh”, mình rất thích cách nói này), nội dung không chỉ bất ngờ mà còn phải rất dễ hiểu vì khi ấy người ta không kịp “lục lại não” để hiểu những liên kết quá sâu xa. Khi viết, cả đoạn dài có một cái “vặn xoắn” bất ngờ là cười rồi. Khi nói, sau 3 câu mà chưa thấy vui thì người nghe đã thấy mệt mệt. Một câu chuyện hài hước có chiều sâu và làm cho mọi người cười nghiêng ngả là không hề đơn giản. Trong công việc quảng cáo, mình và cả khách hàng hay rơi vào cái bẫy nghĩ câu chuyện này vui mà khi làm ra phim thì không ai cười, té ra là vậy, phim đó làm cho copywriter và marketer cười, chứ không phải cho người tiêu dùng cười.
Cấu trúc chặt chẽ. Chỗ này thì gần với viết lách thuần tuý hơn nè. Người viết được trao cho 1000 chữ còn người diễn hài được trao cho 10 phút. Múa bút hay múa môi đều phải có giới hạn, ta là người dẫn dắt cảm xúc của khán giả đi hết một hành trình. Mở đầu, nhấn nhá, thắt - mở, kết thúc đều là những cột mốc cần nhiều chất xám của người sáng tạo. Học và diễn rồi mới thấy nể các bạn trên Netflix, diễn cả tiếng đồng hồ mà người ta vẫn cười. Đó không đơn thuần là “liệt kê” tuần tự các miếng hài ra đâu. Nụ cười cũng cần thiết kế.
Theo góc nhìn của mầm non stand-up như mình thì 2 điểm trên là phần “hồn” và “xác” của một màn trình diễn. Để xem mình có ứng dụng vào việc thuyết trình ý tưởng được không. Ôi còn nhiều điều hay ho lắm, mình chỉ đang viết theo trí nhớ thôi chứ chưa lật sổ ra xem lại.
Chấm sao
Chung cuộc: ĐI HỌC ĐI!
Phần thưởng cho những ai đọc tới cuối bài: