(TS. Nguyễn Trường Ngân, Đại học Bách Khoa TP.HCM)
- Quá trình feralic (tích lũy sắt - nhôm tương đối)
Feralic là quá trình hình thành đất phổ biến tại các vùng đồi núi của Việt Nam, tạo nên màu đỏ vàng cho đất. Quá trình này trải qua 2 giai đoạn với các điều kiện cần thiết như hình 1.

Các đá mẹ và mẫu chất giàu Fe, Al phổ biến ở Việt Nam là: Đá basalt, đá phiến sét và mẫu chất phù sa cổ.
Trong điều kiện địa hình dốc, SiO2 và các oxit kiềm, kiềm thổ bị thủy phân thành các chất hòa tan và dễ dàng bị rửa trôi do mưa. Các oxit Fe, Al ngậm nước để tạo thành các khoáng không tan như Limonite (Fe2O3.nH2O) hay Gippxite (Al2O3.nH2O) và được giữ lại trong đất, khiến tỷ lệ Fe, Al trong đất giàu lên tương đối.
Một số yếu tố hạn chế quá trình feralic:
- Trường hợp độ cao >1000m, nhiệt độ giảm dần, khí hậu càng lạnh, ẩm độ càng tăng, quá trình feralic yếu dần, quá trình tích lũy mùn tăng lên.
- Địa hình dốc thoải, sự rửa trôi giảm và quá trình feralic giảm.
- Thảm thực vật càng dày thì sự rửa trôi càng giảm và quá trình feralic giảm.
2. Khái quát về thổ nhưỡng theo tuyến thực tập
Thực tập môi trường đại cương với lộ trình trải dài qua 4 tỉnh: TPHCM, Đồng Nai, Lâm Đồng và Khánh Hòa. Trong đợt thực tập này, sinh viên có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu hầu hết các nhóm đất chính của vùng Đông Nam Bộ, Tây nguyên và Duyên hải miền Trung.
Tổng quan các loại đất dọc theo tuyến thực tập thể hiện như hình 2.

Trong tổng số 14 nhóm và loại đất, đất mà quá trình feralic là quá trình hình thành đất chủ đạo có 8 loại, bao gồm:
(i) Ba loại đất hình thành trên đá basalt gồm
- Đất nâu thẫm trên đá bọt basalt (Ru)
- Đất nâu đỏ trên đá basalt (Fk)
- Đất nâu vàng trên đá basalt (Fu)
(ii) Hai loại đất hình thành trên đá maqma acide:
- Đất đỏ vàng trên đá maqma acide (Fa)
- Đất mùn vàng đỏ trên đá maqma acide (Ha)
(iii) Hai loại đất hình thành trên đá trầm tích, gồm:
- Đất đỏ vàng trên đá phiến sét (Fs)
- Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq)
(iv) Một loại đất trên mẫu chất phù sa cổ là: Đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp)
- Đặc điểm chung của các đất feralic
3.1. Nhóm đất feralic hình thành trên đá basalt
Sự phân bố của các loại đất trên các vòm maqma phun trào basalt có liên quan mật thiết với quy luật phi địa đới. Có thể minh họa sự phân bố này như hình 3.

3.1.1. Đất nâu thẫm trên đá bọt basalt (Ru)
Quan sát được tại những khu vực quanh các miệng núi lửa có độ cao dưới 500m, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai trước khi tới chân đèo Bảo Lộc. Dọc theo tuyến thực tập, loại đất này phân bố tập trung ở 2 khu vực:
- Xung quanh núi Soklu (Núi Gia Nhang), huyện Thống Nhất.
- Xung quanh quần thể hang dung nham (Hang Dơi) thuộc Huyện Định Quán và Tân Phú.
Đặc điểm chung của loại đất này là tầng đất mỏng (<50cm), đất có lẫn nhiều đá tạo thành tầng hạn chế cho bộ rễ cây trồng và cho thực hiện các biện pháp canh tác.
Đất có thành phần cơ giới nặng (sét chiếm >30%), có hàm lượng dinh dưỡng cao và cân đối trừ Kali, giàu mùn. Đất ít chua, khả năng hấp phụ trao đổi cao.
Hiện nay, trên hầu hết diện tích đất Ru canh tác nông nghiệp, có ưu thế cho cây ngắn ngày. Đây là loại đất tốt cho nông nghiệp nhưng có nhiều hạn chế.
3.1.2. Đất nâu đỏ trên basalt (Fk)
Trong các đất đồi núi, Fk là một loại đất có nhiều ưu điểm nhất; chúng có tầng đất hữu hiệu dày, cấu trúc tốt, tơi, xốp, có khả năng thấm nước và giữ ẩm tốt và có hàm lượng dinh dưỡng khá cao; ngoài ra, chúng còn được phân bố ở những bậc địa hình vòm thoải- dốc nhẹ.
Theo tuyến thực địa, Fk tập trung tại các khu vực có độ cao 800-1000m thuộc huyện Di Linh và Đức Trọng.
Phần lớn diện tích đất Fk hiện tại đang được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây lâu năm là chính (cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả).
3.1.3. Đất nâu vàng trên bazan (Fu)
Mặc dù có vài nhược như chua, nghèo base, nghèo lân và kali, Fu vẫn là một loại đất tốt: tầng đất dày tương đối, sa cấu nặng, dốc thoải, thoát nước tốt, đạm và mùn cao.
Trong thành phần khoáng của đá có chứa tỷ lệ nhôm khá cao, thường có kết von xuất hiện trong vòng 125 cm. Đây là những khu vực có tiềm năng bauxit lớn.
Theo tuyến thực địa, Fu phân bố tập trung tại Bảo Lộc, điểm khảo sát mỏ bauxit.
Phần lớn điện tích Fu hiện nay đang được sự dụng trong nông nghiệp để canh tác các cây công nghiệp lâu năm (chè, cà phê, tiêu).
3.2. Nhóm đất hình thành trên đá maqma acide
Đá maqma acide có độ cứng cao (tỷ lệ SiO2 lớn), do vậy, quá trình phong hóa khó diễn ra hơn đá basalt. Do vậy, các điều kiện hạn chế quá trình phong hóa sẽ tác động sâu sắc đến nhóm đất này:
- Tại các khu vực có các điều kiện về độ cao, độ dốc và khí hậu thuận lợi, quá trình feralic diễn ra sẽ hình thành đất đỏ vàng (Fa).
- Ngược lại, tại các khu vực quá trình feralic bị hạn chế sẽ hình thành đất mùn vàng đỏ (Ha).
3.2.1. Đất vàng đỏ trên đá maqma acide (Fa)
Loại đất này có tầng khá mỏng (<70cm), phân bố trên sườn núi cao, dốc mạnh (>15o). Hầu như trong toàn bộ phẫu diện đất đều có đá tảng lẫn với mức độ tăng dần theo chiều sâu và thường thì chúng tạo thành tầng hạn chế ở khoảng độ sâu 30-70cm.
Theo tuyến thực địa, Fa phân bố tập trung diện tích lớn ở 2 khu vực:
- Khu vực giáp ranh Đạ Hoai và thị xã Bảo Lộc.
- Khu vực xung quanh thành phố Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương. Phẫu diện khảo sát Fa điển hình là chân núi LangBiang.
Đây là loại đất có nhiều hạn chế nên ít thích hợp cho khai thác sử dụng nông nghiệp. Đa phần sử dụng trong phát triển đô thị và bảo tồn rừng.
3.2.2. Đất mùn vàng đỏ trên đá maqma acide (Ha)
Loại đất này phân bố ở địa hình núi cao (>1.600m), dốc mạnh (>30o) và có tầng đất hữu hiệu mỏng (<70cm). Đất có đá lẫn trung bình đến nhiều trong suốt chiều sâu phẫu diện.
Trong lộ trình thực địa, Ha phân bố trên đỉnh Langbiang (độ cao 1900-2100m).
Đây là loại đất rất nhiều hạn chế nên hiện nay sử dụng để duy trì rừng phòng hộ, không khai thác cho sản xuất nông nghiệp.
3.3. Nhóm đất hình thành trên đá trầm tích
Các đá trầm tích dọc tuyến thực địa gồm 2 loại chính: Đá phiến sét và đá cát kết. Đặc tính của các đá này sẽ ảnh hưởng mạnh đến đặc điểm của đất.
3.3.1. Đất đỏ vàng trên đá sét (Fs)
Phần lớn đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất có địa hình khá dốc (>150) và có tầng đất mỏng (<50cm). Thành phần cơ giới trung bình đến nặng (sét 25-50%), đất chua. Mùn và N, P, K đều đạt mức trung bình khá.
Trong tuyến thực địa: Fs tập trung ở 3 khu vực, cũng là 3 điểm khảo sát chính, gồm:
- Điểm khảo sát khu vực cầu La Ngà
- Điểm khảo sát khu vực cầu Đại Ninh
- Điểm khảo sát khu vực sông Cái Nha Trang.
Do những hạn chế, phần lớn Fs đang được sử dụng cho trồng rừng. Phần còn lại bố trí các cây trồng ngắn ngày.
3.3.2. Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq)
Loại đất này phân bố ở độ cao phổ biến chừng 500-1.000m, dốc mạnh (>250), tầng dày trung bình (70-100cm). Đất có tầng tích tụ sét xuất hiện nông, trong khoảng độ sâu 30-45 cm, và thường lẫn nhiều mảnh đá bán phong hóa.
Đất có thành phần cơ giới nhẹ (cát xấp xỉ 50%); chua đến chua vừa, mùn và đạm khá, nghèo lân và kali.
Trong lộ trình thực địa, Fq được quan sát tại khu vực Madagui thuộc huyện Đạ Hoai.
Do hạn chế về địa hình, tầng dày và dinh dưỡng, loại đất này hiện nay chủ yếu sử dụng trong khoanh nuôi bảo vệ rừng để bảo vệ đất.
3.4. Đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp)
Đất Fp thường xuất hiện ở những bậc địa hình trung bình đến cao và dốc nhẹ của thềm phù sa cổ, độ cao phổ biến chừng 20-60m. Độ dày tầng đất hữu hiệu lại khá thay đổi từ rất dày (> 100 cm) đến mỏng (< 50cm). Đất có thành phần cơ giới nhẹ (cát > 50%), chua đến chua vừa, nghèo dinh dưỡng và mùn.
Trong tuyến thực địa, Fp phân bố tập trung tại khu vực trũng thấp thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Loại đất này thích hợp với nhiều loại cây trồng cạn, đặc biệt khu vực Trảng Bom đang canh tác những cánh đồng khoai mì cao sản.
————————————————————————-
CÂU HỎI
- Giải thích quá trình feralic trong đất đồi núi Việt Nam, điều kiện diễn ra và sản phẩm?
- Yếu tố chủ đạo nào chi phối sự hình thành các đất feralic trên đá basalt?
- Giải thích vì sao có sự khác biệt về đất ở chân núi và đỉnh núi Lang Biang?
TP.HCM, ngày 10 tháng 6 năm 2016
Nguyễn Trường Ngân